Hỏi đáp một số bệnh thường gặp
– Hỏi: Tôi bị đi tiêu ra máu kéo dài, máu đỏ tươi, xin hỏi đó có phải là bệnh trĩ không và uống thuốc gì khỏi?
– Trả lời: Tiêu ra máu là triệu chứng thường gặp của vùng hậu môn trực tràng và đa số là bệnh trĩ. Trĩ là bệnh lành tính, nhưng cũng có những bệnh lý khác triệu chứng giống bệnh trĩ nhưng là ác tính. Vì vậy để an toàn anh, chị nên đăng ký khám bệnh để bác sĩ chẩn đoán rõ ràng và có cách điều trị thích hợp. Khi khám bệnh, bệnh nhân sẽ tốn một ít thời gian nhưng sẽ an toàn hơn về bệnh lý của mình. Nếu đúng bệnh trĩ sẽ có thuốc uống trong giai đoạn sớm, để trễ quá sẽ phải phẫu thuật.
– Hỏi: Tôi nghe nói có phương pháp mổ trĩ nội soi, bệnh viện mình có thực hiện được không và chi phí bao nhiêu ?
– Trả lời: Mổ nội soi được hiểu như là một cách mổ ít đau, thẩm mỹ, mau hồi phục. Mổ điều trị bệnh trĩ không phải là phương pháp mổ nội soi mà là mổ bằng kỹ thuật cao, bằng dụng cụ tiên tiến hiện đại, hay gọi là phương pháp Longo. Khi mổ cách này bệnh nhân sẽ không để lại sẹo bên ngoài, ít đau hơn nhiều so với mổ thông thường và thời gian hồi phục ngắn. Chi phí sẽ được bảo hiểm y tế thanh toán một phần (một nửa tiền dụng cụ), những trường hợp thông thường bệnh nhân đóng khoảng 4 – 5 triệu đồng/ ca mổ. Xin nói thêm mổ máy thì tốt nhưng nếu bệnh nhân đến trễ, trĩ to sẽ rất khó để mổ máy, lúc đó có thể phải mổ bằng cách thông thường.
– Hỏi: Tôi 60 tuổi, đi tiêu ra phân có lẫn máu, đàm nhày và sụt cân. Có phải tôi bệnh trĩ không và uống thuốc gì thì khỏi ?
– Trả lời: Trường hợp của chú bắt buộc phải khám mới có thể chuẩn đoán xác định. Triệu chứng của chú không điển hình của bệnh trĩ mà có thể là bệnh lý khác của vùng hậu môn trực tràng. Bác sĩ sẽ khám và tư vấn điều trị, chú cần khám sớm để tránh biến chứng không đáng có.
(Sau khi khám phát hiện đây là một trường hợp bệnh nhân có khối u trực tràng)
– Hỏi: Sau khi mổ trĩ tôi phải ăn thức ăn loãng, ít để tránh đi tiêu nên nay người rất mệt, chóng mặt nhức đầu. Tôi phải chịu đựng trong bao lâu nữa vết mổ mới lành?
– Trả lời: Đây là sai lầm thường gặp của bệnh nhân. Sau khi mổ trĩ cần phải tập đi tiêu sớm để tránh biến chứng hẹp hậu môn. Bệnh nhân ăn cũng như bình thường, ăn nhiều rau xanh, trái cây để dễ đi tiêu. Phân cần có khuôn, tránh phân lỏng để tránh biến chứng hẹp hậu môn sau này. Khi nhịn tiêu lâu sẽ gây đau hậu môn khi đi tiêu lại vì dễ hẹp hậu môn. Mổ trĩ phương pháp thông thường cần ngâm vùng hậu môn trong nước ấm pha loãng với Polidine 3 – 4 lần/ngày, sau mổ cần đi tiêu và có thể lành sau 4 – 6 tuần. Sau mổ bệnh nhân cần tái khám để phẫu thuật viên đánh giá và điều trị tiếp cho bệnh nhân, tránh biến chứng sau mổ.
– Hỏi: Tôi 50 tuổi bị sỏi túi mật. Siêu âm bác sĩ thấy nhiều viên sỏi 6 -8 mm khoảng 1 năm nay. Gần đây tôi đau nhiều, ăn uống khó tiêu. Bác sĩ khuyên đi mổ cắt túi mật. Cho hỏi như vậy tôi có còn mật không và sau này ăn uống như thế nào ?
– Trả lời: Trường hợp của Cô (Chú) có chỉ định cắt túi mật là đúng. Chúng ta phải hiểu rằng túi mật không phải là nơi tiết ra, sản xuất ra mật. Túi mật chỉ là chỗ dự trữ mật. Khi ăn, mật từ túi mật sẽ được bài tiết để tiêu hóa. Khi cắt túi mật, sẽ mất đi túi dự trữ nhưng mật vẫn còn, vẫn được sản xuất đều đặn từ gan. Túi mật như trên thật ra chức năng đã giảm, thậm chí không còn chức năng nữa. Khi cắt túi mật, mật từ gan sẽ được tiết ra đổ trực tiếp xuống ruột và đảm bảo chức năng tiêu hóa. Có một số nhỏ bị rối loạn ăn uống như chậm tiêu nhưng sau môt thời gian gan có thể sẽ tự điều chỉnh và chức năng tiêu hóa sẽ trở lại bình thường.
– Hỏi: Vợ tôi bị sỏi túi mật đã được mổ nội soi. Tôi hiện cũng bị sỏi mật. Siêu âm nói sỏi ống mật chủ. Xin hỏi tôi cũng có thể mổ nội soi như vợ tôi không ?
– Trả lời: Sỏi ống mật chủ điều trị sẽ khó hơn sỏi túi mật. Hiện nay phẫu thuật nội soi rất phát triển và tại Bệnh viên Đa khoa thành phố Cần Thơ đã mổ nhiều ca sỏi ống mật chủ bằng phương pháp này. Trường hợp của chú hãy đến khám bệnh để bác sĩ đánh giá xem sỏi thế nào, ở đâu, nhiều viên không. Điều trị có thể không cần mổ, qua noi soi mũi miệng (như soi dạ dày) lấy sỏi. Nếu nặng hơn có thể phẫu thuật nội soi ổ bụng hoặc mổ mở với những trường hợp sỏi nhiều và nằm ngóc ngách của các nhánh gan.
– Hỏi: Hôm qua con tôi bị tai nạn giao thông trúng ở đầu nhưng vẫn tỉnh táo bình thường. Sáng nay con tôi đau đầu nhiều, chóng mặt, buồn nôn. Vậy tôi có thể cho con tôi uống thuốc gì được?
– Trả lời: Chấn thương đầu cần được theo dõi chặt chẽ. Trường hợp con của cô triệu chứng đau đầu, chóng mặt, buồn nôn,… là những dấu hiệu nghi ngờ có máu tụ trong não. Cô không được tự ý điều trị, phải cho cháu nhập viện, bằng kỹ thuật chụp cắt lớp vi tính (CT) chúng tôi sẽ đánh giá đúng bệnh và có cách xử lý phù hợp.
– Hỏi: Tôi bị đau cột sống thắt lưng đã lâu, đau lan xuống 2 chân, nay đi lại khó khăn, 2 chân teo nhỏ lại. Tôi phải điều trị như thế nào là đúng. Nhờ bác sĩ tư vấn.
– Trả lời: Trường hợp của anh (chị) có nhiều triệu chứng của bệnh một thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng. Anh hãy đến để bác sĩ thăm khám và chỉ định chụp cộng hưởng từ cột sống. Tùy mức độ bệnh nhân có thể điều trị thuốc hoặc phẫu thuật. Phẫu thuật cột sống sẽ mang lại hiệu quả và hài lòng cho bệnh nhân.
-
Mẹ mạo hiểm sinh non cứu 3 đứa con
Ở tuần thứ 28 của thai kỳ, bà mẹ Chloe Dunstan buộc phải đưa ra quyết định hoặc bỏ đứa con gái hoặc sinh non cả 3 em bé. ...
Đọc tiếp - Mẹo tự chế kem tắm trắng từ đường nâu và dấm
- 3 cách trị mụn hiệu quả mà đơn giản với đậu bắp
- Làm sáng tỏ sự thật về tác dụng của Glucosamine
- Táo bón nên ăn gì cho tốt?
GIAO HÀNG TOÀN QUỐC
ĐỔI TRẢ HÀNG TRONG 15 NGÀY
THANH TOÁN TẠI NHÀ